Lịch sử Hội quán Việt Đông (Hà Nội)

Theo Đại Nam nhất thống chí, Hội quán Việt Đông được dựng vào năm Gia Long thứ 2 (1803) tại phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương.[3] Khoảng thời gian này, Thăng Long có bốn cộng đồng người Hoa là Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam. Người Quảng Đông thành lập cộng đồng sớm và mạnh nhất, chủ yếu sống tập trung tại phố Đường nhân, nên phố này còn gọi là Quảng Đông hay Việt Đông, nay là phố Hàng Ngang.[4]

Theo một tài liệu, Hội quán Việt Đông Hà Nội ban đầu tọa lạc tại miếu Thiên Hậu bên bờ sông Hồng ở huyện Thanh Trì. Sau do dòng chảy sông thay đổi nên Hội quán dời về phố Hàng Buồm. Đến năm 1928, Hội quán được trùng tu và mang kiến trúc Trung Hoa với tường xám, ngói xanh.[5] Hội quán đã từng là nơi dừng chân của nhà cách mạng Trung Quốc Tôn Trung Sơn vào năm 1904. Tôn Trung Sơn vì muốn để lật đổ phong kiến Mãn Thanh nên đã trốn lệnh truy nã và gây quỹ cho cách mạng. Ông đã nhiều lần trú ngụ tại Hội quán Việt Đông và tuyên truyền cách mạng trong cộng đồng Hoa kiều tại đây.[5][6] Hiện nay vẫn còn tấm bảng đá ghi lại sự kiện lịch sử này.[7] Hội quán Việt Đông có chức năng là một nơi sinh hoạt tín ngưỡng và cộng đồng của người Hoa Quảng Đông, đồng thời là điểm giao dịch, thỏa thuận buôn bán và còn là nơi phân xử tranh chấp thương mại giữa các thương nhân.[8][9] Bên cạnh đó tại Hội quán trước đây còn có một trường tư thục do người Hoa thành lập. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, các Hoa kiều Quảng Đông đã thuê một giáo viên dạy Tứ thư, Ngũ kinh cho học sinh của trường. Về sau trường được mở rộng quy mô, trở thành Trường trung học Trung Hoa.[5][10]

Năm 1945, sau sự kiện Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, Hoa kiều đã tổ chức ăn mừng chiến thắng tại Hội quán, đến tham dự có Hà Ứng Khâm, Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần cùng nhiều nhân vật khác. Tháng 8 năm 1955, Ban Trù bị Tổng hội liên hiệp Hoa kiều Việt Nam và Ban Trù bị Liên hội người Hoa Hà Nội được thành lập. Các tài sản công của người Hoa tại Hà Nội, bao gồm cả Hội quán Việt Đông, Hội quán Phúc Kiến, trường học, bệnh viện được giao cho Liên hội người Hoa Hà Nội quản lý và đến năm 1958 thì bàn giao cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[5]

Năm 1978, cũng có thông tin cho rằng năm 1979,[4] không gian Hội quán Việt Đông bị trưng dụng để làm trường mẫu giáo, sau đó đã dần bị lãng quên trong một khoảng thời gian dài. Những cánh cửa sơn son thếp vàng, được chạm trổ tinh xảo từ Quảng Đông đưa sang bị phủ lên một lớp sơn công nghiệp, gian thờ Quan Công và Thiên Hậu bị che kín sau một tấm màn lớn, những tấm bia chất liệu xi măng giả đá khắc chữ nguyên bản chưa được lý giải đã bị đục khoét để lắp đặt công tắc điện.[11]

Trùng tu

Ngày 23 tháng 10 năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 4790/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích Hội quán Quảng Đông tại số 22 Hàng Buồm.[12] Theo đó, dự án trùng tu được Bộ này thỏa thuận bao gồm các hạng mục: trùng tu Tiền đường, phương đình, Trung đường và Hậu cung (khu 1); trùng tu cung Thiên Hậu và tôn tạo phòng trưng bày, giới thiệu di tích (khu 2); trùng tu Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn, tôn tạo nhà Ban quản lý di tích (khu 3); Phục dựng giếng nước và xây dựng mới nhà vệ sinh (khu 4); Tu bổ 6 cổng phụ và tôn tạo cổng, tường rào mặt trước (phố Hàng Buồm); cổng, tường rào mặt sau (phố Nguyễn Siêu), tôn tạo sân, lối đi trong di tích (khu 5) đồng thời lắp đặt hệ thống chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy tại di tích.[13]

Năm 2020, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã thực hiện xây dựng mới Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (cách vị trí hội quán 300 m) để di dời trường học ra khỏi khuôn viên di tích và bắt đầu chỉnh trang, trùng tu lại di tích.[4] Công tác trùng tu Hội quán được hoàn thành vào cuối năm 2021.[14] Trong quá trình trùng tu, biện pháp thi công được tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến tính nguyên gốc của các chi tiết công trình, đặc biệt là các bức phù điêu gốm.[13] Sau khi hoàn thành, Hội quán đã được trả về với đúng kiến trúc ban đầu. Việc tôn tạo và phục dựng Hội quán Việt Đông được xem là một "dấu ấn thành công" trong nỗ lực bảo tồn di tích văn hóa và gìn giữ những dấu tích lịch sử có giá trị quan trọng tại Hà Nội.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hội quán Việt Đông (Hà Nội) //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://sovhtt.hanoi.gov.vn/tham-dinh-du-an-tu-bo-t... https://www.google.com/books/edition/%C4%90%E1%BA%... https://www.google.com/books/edition/%E4%B8%96%E7%... https://www.google.com/books/edition/%E8%8F%AF%E5%... https://vnexpress.net/hoi-quan-quang-dong-giua-pho... https://www.anninhthudo.vn/post-489988.antd https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xua-... https://nld.com.vn/54041p0c1020/yeu-to-hoa-trong-m... https://www.tapchikientruc.com.vn/tac-gia-tac-pham...